Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

THÔNG BÁO CÔNG KHAI TỪ BỎ ĐẢNG


Ghi chú: Chúng tôi nhận được một Email với nội dung Thông báo dưới đây, trong đó tác giả công khai cả số thẻ đảng, số điện thoại và ảnh của mình. Tuy nhiên, do tính chất quan trọng của vụ việc, trong khi chưa có điều kiện xác thực, nên chúng tôi tạm chưa công bố các chi tiết đó cho đến khi có thêm thông tin cần thiết. 
.
BT
.
Bổ sung, 7h50′, 7/12/2013:  Chúng tôi đã xác thực được những thông tin cần thiết về tác giả, nên xin công bố đầy đủ.
.
Theo bổ sung mới của tác giả, đoạn cuối “Nhưng rồi có thể một ngày nào đó, khi Đảng thực sự hoàn lương, tôi lại phấn đấu xin vào Đảng”, nay được sửa lại là“Nhưng rồi có thể một ngày nào đó, khi Đảng thực sự hoàn lương, nắm vững ngọn cờ dân tộc, vứt bỏ ngọn cờ CNXH, tôi lại phấn đấu xin vào đảng”.
—-
.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 6 tháng 12 năm 2013

Hưởng ứng lời tuyên bố từ bỏ Đảng của Luật gia Lê Hiếu Đằng và Nhà báo – TS Phạm Chí Dũngtôi, Nguyễn Đắc Diên, Bác sĩ Nha khoa, đảng viên, số hiệu thẻ đảng 3444669, THÔNG BÁO CÔNG KHAI từ bỏ Đảng Cộng sản Việt nam.
 

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Nhà báo Phạm Chí Dũng xin ra khỏi đảng

Nhà báo, nhà văn, tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng đã chính thức viết đơn xin ra khỏi đảng cộng sản Việt Nam.
Trong một tâm thư gửi đi từ thành phố Hồ Chí Minh hôm nay thứ Năm 05/12/2013, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết sở dĩ ông quyết định ra khỏi đảng là vì “Tôi tự nhận thấy Đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân, và điều đó đi ngược với tôn chỉ mục tiêu ban đầu của Đảng cùng lời thề của tôi khi vào Đảng. Do vậy tôi không còn phù hợp với vai trò và nghĩa vụ một đảng viên trong Đảng Cộng sản”.
Được biết, nguyên là một cán bộ kỳ cựu công tác tại Viện Nghiên cứu phát triển, trực thuộc Ủy ban nhân dân TP.HCM, ông Phạm Chí Dũng là tác giả của nhiều bài phân tích, bình luận được đăng tải trên các website trong và ngoài nước thời gian gần đây.
Dưới đây là nguyên văn bức tâm thư và đơn xin ra khỏi đảng của ông Phạm Chí Dũng mà Đài Á Châu Tự Do có được.

Tâm thư từ bỏ Đảng

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5 tháng 12 năm 2013
Tôi là nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, đảng viên từ năm 1993, viết tâm thư này nhằm khẳng định một quyết định khó khăn trong đời mình:
Tôi chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, được đào tạo từ môi trường quân đội và nhiều năm công tác trong hệ thống chính quyền, đảng cùng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, tôi đã từng tràn đầy nhiệt huyết đóng góp cho một đất nước xã hội chủ nghĩa công bằng và bác ái. Với trách nhiệm của một đảng viên, tôi đã chưa từng tham nhũng hoặc bị sa đọa lối sống.
Song tất cả những gì mà Đảng Cộng sản thể hiện vai trò “lãnh đạo toàn diện” trong ít nhất một phần tư thế kỷ qua đã khiến cho tôi, cũng như nhiều đảng viên khác, đi từ thất vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tình cảm.
Kết quả của cơ chế “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản, mà thực chất là tư tưởng một đảng cố hữu, chính là nguồn cơn sâu xa và nguồn dẫn trực tiếp khiến cho xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng không thể khác hơn là thảm cảnh như ngày hôm nay.
Chưa bao giờ tham nhũng lại trở thành một quốc nạn ngập ngụa từ cấp trung ương đến tận cơ sở, từ trắng trợn đến vô liêm sỉ và dã man đến thế. Chưa bao giờ các nhóm lợi ích kinh tế và nhóm thân hữu chính trị, cũng như sự cấu kết giữa hai nhóm này lại biện chứng và sâu đậm đến mức bất chấp dân tình đến như vậy. Cũng chưa bao giờ hố phân hóa giàu nghèo trong xã hội ta lại thê thiết và tàn nhẫn như hiện thời.
Những độc đoán về chính trị đã tất yếu dẫn đến hậu quả nạn độc quyền, đặc quyền và đặc lợi, trục lợi. Hậu quả ấy đã đẩy nền kinh tế vào thế vong tồn và cạn kiệt hầu hết các nguồn tài nguyên của đất nước. Cuộc trục lợi không thương tiếc đó đã, đang và sẽ dồn ép hậu quả khủng khiếp của nó lên đầu 90 triệu người dân Việt và toàn bộ lực lượng vũ trang.
Chính vào lúc này, nền kinh tế Việt Nam đang đặt một chân vào vực thẳm khủng hoảng, và chỉ cần thêm ít năm nữa thôi, cơn ung hoại sẽ lan ra toàn thân để không thể một liều thuốc đặc trị nào còn tác dụng.
Ung hoại kinh tế lại đang phá nát cơ thể đạo đức xã hội. Xã hội suy đồi toàn diện. Chưa bao giờ đạo lý và văn hóa người Việt, dân tộc Việt lại trở nên thảm thương và bĩ cực như giờ đây. Tình người và mối dây ràng buộc lỏng lẻo còn lại giữa con người với nhau luôn và sẽ phải đối mặt với nguy cơ cắn xé lẫn nhau.
Ai và cơ chế nào đã gây ra thảm cảnh không thể cứu vãn như thế? Trong tâm trạng tuyệt vọng của một đảng viên, những người như tôi đã phải nhận chân rằng điều được xem là sự “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản đã thất bại, thất bại một cách cố ý và quá cay đắng. Không những không hướng đến tinh thần công bằng và bác ái, làm tròn nghĩa vụ một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, Đảng Cộng sản hiện thời chỉ còn mang bóng hình và hơi thở của các nhóm lợi ích.
Lời thề trung thành với Đảng Cộng sản của tôi đã bị thực tế đau đớn thẳng thừng phủ nhận.
Đảng và những người như tôi, tất cả đều sinh ra từ nhân dân và vì nhân dân. Nhưng một khi Đảng đã không còn đại diện cho quyền lợi của đại đa số người dân, vì sao chúng tôi phải tiếp tục trung thành với Đảng?
Có sinh có diệt, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản ắt phải thấy quy luật trời đất đó đang ứng nghiệm vào chính họ. Bởi thái độ vô cảm, vô trách nhiệm và tư tưởng tư hữu bất chấp dân sinh, rất nhiều đảng viên cao cấp đã đẩy xã hội vào tâm thế phản lại ý nghĩa thiêng liêng của Tổ quốc.
Đã đến lúc những người như tôi cần nhận chân rằng vai trò của Đảng Cộng sản không phải là vĩnh viễn. Cũng không thể gìn giữ lòng trung thành tuyệt đối với một lý tưởng chỉ còn là câu chữ cửa miệng.
Không nhằm mục đích chống Đảng, tôi thành tâm cho rằng thái độ từ bỏ Đảng Cộng sản là một trong những con đường ngắn nhất để gần gũi hơn với nhân dân và quyền lợi người nghèo.
Trong tận cùng tâm thức, một công dân tốt có ý nghĩa hơn nhiều so với một đảng viên tồi.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng

Đơn xin ra Đảng


Kính gửi:     Đảng ủy Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Tôi là Phạm Chí Dũng, đảng viên từ năm 1993, hiện công tác và sinh hoạt đảng tại Viện Nghiên cứu phát triển, trực thuộc Ủy ban nhân dân TP.HCM.
Tôi làm đơn này đề nghị Đảng ủy Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM hướng dẫn thủ tục và giải quyết cho tôi được ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lý do: Tôi tự nhận thấy Đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân, và điều đó đi ngược với tôn chỉ mục tiêu ban đầu của Đảng cùng lời thề của tôi khi vào Đảng. Do vậy tôi không còn phù hợp với vai trò và nghĩa vụ một đảng viên trong Đảng Cộng sản.
Trân trọng.
Phạm Chí Dũng
TP.HCM ngày 05 tháng 12 năm 2013

Lại thêm người quyết định bỏ Đảng

Ông Phạm Chí Dũng hiện là nhà báo độc lập

Tiếp sau đảng viên kỳ cựu Lê Hiếu Đằng, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng cũng gửi tâm thư từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bức tâm thư của ông Dũng mà BBC có trong tay, đề ngày 5/12/2013, viết đây là một "quyết định khó khăn" của ông.
"Xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, được đào tạo từ môi trường quân đội và nhiều năm công tác trong hệ thống chính quyền, Đảng cùng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, tôi đã từng tràn đầy nhiệt huyết đóng góp cho một đất nước xã hội chủ nghĩa công bằng và bác ái."
Ông Phạm Chí Dũng, Tiến sỹ Kinh tế, từng làm cán bộ Ban An ninh Nội chính Thành ủy TP HCM. Ông là con trai ông Phạm Văn Hùng, cựu Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP HCM.
Lý do khiến ông Dũng quyết định bỏ Đảng được ông giải thích: "Tất cả những gì mà Đảng Cộng sản thể hiện vai trò 'lãnh đạo toàn diện' trong ít nhất một phần tư thế kỷ qua đã khiến cho tôi, cũng như nhiều đảng viên khác, đi từ thất vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tình cảm".
Ông gọi tình trạng hiện tại ở trong nước là "thảm cảnh" và cho rằng Đảng CSVN phải chịu trách nhiệm về điều này.
Cùng ngày, ông Phạm Chí Dũng, người vào Đảng CSVN năm 1993, cũng gửi đơn xin ra Đảng tới Đảng ủy Viện Nghiên cứu Phát triển, trực thuộc Ủy ban Nhân dân TP HCM - nơi ông sinh hoạt.

Đảng và nhóm lợi ích

Tâm thư của ông Phạm Chí Dũng viết: "Đảng Cộng sản hiện thời chỉ còn mang bóng hình và hơi thở của các nhóm lợi ích".
"Lời thề trung thành với Đảng Cộng sản của tôi đã bị thực tế đau đớn thẳng thừng phủ nhận."
Ông đặt câu hỏi "một khi Đảng đã không còn đại diện cho quyền lợi của đại đa số người dân, vì sao chúng tôi phải tiếp tục trung thành với Đảng?"
Ông cảnh báo: "Có sinh có diệt, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản ắt phải thấy quy luật trời đất đó đang ứng nghiệm vào chính họ".
"Không nhằm mục đích chống Đảng, tôi thành tâm cho rằng thái độ từ bỏ Đảng Cộng sản là một trong những con đường ngắn nhất để gần gũi hơn với nhân dân và quyền lợi người nghèo."
Khác với ông Lê Hiếu Đằng, người quyết định thoái Đảng sau 40 năm làm đảng viên, ông Phạm Chí Dũng không kêu gọi thành lập chính đảng khác.
Ông chỉ lộ bạch rằng: "Trong tận cùng tâm thức, một công dân tốt có ý nghĩa hơn nhiều so với một đảng viên tồi".
Hồi năm ngoái ông Phạm Chí Dũng đã bị bắt và sau đó bị tạm giữ sáu tháng để điều tra tội lật đổ. Tuy nhiên công an đã phải đình chỉ điều tra và kết thúc vụ án.
Ông Phạm Chí Dũng cho BBC biết rằng sau ông Đằng và ông, bác sỹ Nguyễn Đắc Diên - một nhà hoạt động xã hội khác ở TP HCM, cũng đã quyết định từ bỏ Đảng CSVN.
Trên thực tế, đã có nhiều người khác thôi không sinh hoạt Đảng và từ bỏ Đảng một cách âm thầm.
Các bài liên quan

Luật gia Lê Hiếu Đằng : Bỏ đảng Cộng sản để trở thành công dân tự do đấu tranh


Luật gia Lê Hiếu Đằng : Bỏ đảng Cộng sản để trở thành công dân tự do đấu tranh

Luật gia Lê Hiếu Đằng
Luật gia Lê Hiếu Đằng
RFI/Capdevielle

Thụy My
Hôm nay 05/12/2013, luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra tuyên bố rời bỏ Đảng Cộng sản.

Người đảng viên hơn 40 tuổi đảng đã từng bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa kết án tử vì những hoạt động đấu tranh trong thời chiến đầy gian khổ trước đây. Nay khi đảng Cộng sản đang trên đỉnh cao quyền lực lại quyết định rời bỏ vì theo ông, đảng bây giờ thực chất là của các tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản và đi ngược lại quyền lợi của lợi ích dân tộc.
Cũng như lời đề nghị thành lập đảng Dân chủ Xã hội trước đây, tuyên bố rời bỏ đảng Cộng sản Việt Nam của luật gia Lê Hiếu Đằng một lần nữa đã gây bão dư luận. Hôm nay trên các mạng xã hội đã có rất nhiều lời bàn tán về sự kiện này.
Từ giường bệnh tại bệnh viện 115 ở Thành phố Hồ Chí Minh, luật gia Lê Hiếu Đằng dù đang phải chống chọi với căn bệnh nan y, vẫn cố gắng trả lời RFI Việt ngữ. Xin quý thính giả vui lòng thông cảm về chất lượng âm thanh của cuộc phỏng vấn.

Luật gia Lê Hiếu Đằng - TP Hồ Chí Minh
 
05/12/2013
by Thụy My
 
 
RFI : Thưa anh, vì sao anh quyết định rời bỏ đảng Cộng sản Việt Nam ?
Trong bài viết khi nằm trên giường bệnh, về việc bỏ đảng có một thời gian tôi chưa làm được, bây giờ phải làm. Đó là hệ quả tất yếu thôi. Còn lý do bỏ đảng là vì bây giờ đảng không còn như thời kỳ giải phóng dân tộc nữa, mà trở thành một nhóm lợi ích đặt quyền lợi của gia đình, của cá nhân lên trên, chứ không phải quyền lợi của đất nước, của Tổ quốc. Đảng trở thành sức cản cho sự phát triển của đất nước, tiền của của dân bị lãng phí không biết bao nhiêu.

Điều làm tôi đau lòng nhất là người dân mất đất, mất ruộng, phải ly hương, ly tán, trong khi họ là những người chịu hy sinh rất nhiều trong chiến tranh. Thế bây giờ thì ai phản bội ai ? Rõ ràng là các ông ấy phản bội nông dân, phản bội dân tộc Việt Nam. Nói chung là phản bội lại những gì đã hứa hẹn trước kia.

Khi tôi vào đảng, tôi hy vọng là sau khi giải phóng dân tộc rồi thì sẽ xây dựng một chế độ tốt đẹp hơn. Nhưng bây giờ chế độ lại tồi tệ hơn xưa, mọi thứ đều xuống cấp, từ giáo dục, y tế cho đến đạo đức con người. Đảng Cộng sản trở thành sức cản của đất nước, của dân tộc, mà thực chất đây chỉ là tập đoàn lợi ích thôi. Thành ra tôi nghĩ phải từ bỏ, vì nếu là thành viên của đảng dù sao cũng là trách nhiệm. Trở thành một người công dân tự do để đấu tranh.

Chứ còn chủ nghĩa xã hội thì nó đã tanh bành ở Liên Xô rồi, nước nào người ta cũng đã từ bỏ…

RFI : Thưa anh, anh có nuối tiếc khi từ bỏ một tổ chức mà mình đã cống hiến bao nhiêu năm tuổi thanh xuân không ?

Tất nhiên là mình cũng thấy tiếc, nhưng không thể nào không từ bỏ được vì nó trở thành xấu xa. Chứ nếu vẫn còn là thành viên thì mình phải có trách nhiệm, vì vậy thôi bây giờ rút ra để mình trở thành công dân tự do; để đấu tranh cho chủ quyền, dân chủ, bảo vệ môi trường.

Đó là ba yếu tố thực chất vì con người, chứ còn chủ nghĩa xã hội cuối thế kỷ này như thế nào thì ai cũng biết. Trong khi con cái mấy ông (lãnh đạo) đi các nước tư bản, mấy ông lại bắt cả dân tộc phải đi theo con đường xã hội chủ nghĩa là một con đường hiện nay chẳng có lối ra, và ngay trên quê hương sinh ra nó người ta đã chối từ, đã phủ nhận.

RFI : Còn những đảng viên khác thì sao, và anh có nhắn nhủ gì với những người đang đấu tranh cho dân chủ không ?

Nhiều đảng viên người ta cũng thất vọng. Nhiều người trong đảng cũng rất tâm huyết, nhưng vì lý do gia đình hoặc những lý do khác…Tôi nghĩ nếu ai cũng vì lý do gia đình, vì lợi ích cá nhân mà không đặt lợi ích đất nước lên trên thì đất nước này sẽ đi về đâu ?

Do đó tôi hy vọng sau khi tôi từ bỏ đảng, thì những người khác cũng sẽ hưởng ứng.
 
RFI : Không chỉ trong đối nội, có lẽ cũng có những thất vọng về đối ngoại, như cách đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông ?
 
Đúng vậy. Chính sách của ta nó nhu nhược, nói cách khác là hèn yếu trước sự hung hãn của bọn bành trướng Bắc Kinh. Thật ra nguy hiểm nhất là hiện nay Trung Quốc đã tràn lan khắp nơi, điển hình là ở huyện Kỳ Anh ở Nghệ An. Biển Đông thì còn lúc này lúc kia, chứ còn trên đất liền có biết bao nhiêu là nhân viên quân sự cũng như dân sự Trung Quốc. Tội lỗi là tại sao lại để cho tình hình xảy ra như thế.

Tôi nhắc lại, tôi từ bỏ để không còn là thành viên có trách nhiệm, là một đảng viên của đảng nữa, mà trở thành một công dân tự do. Khi ra khỏi đảng, tôi được tự do đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ; bảo vệ nhân quyền và dân quyền ; bảo vệ môi trường. Đó là những vấn đề thiết thực cho con người, vì con người đối với người Việt, chứ còn cái thứ chủ nghĩa xã hội rất là mơ hồ.

RFI : Tức là dù đang trên giường bệnh, nhưng anh vẫn bức xúc khi cả dân tộc phải đi theo một chủ nghĩa mà tương lai có vẻ vẫn còn mù mịt ?

Đúng rồi, một tương lai mù mịt, chẳng đi đến đâu cả.

RFI : RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn luật gia Lê Hiếu Đằng, kính chúc luật gia sức khỏe.

URL nguồn: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20131205-luat-gia-le-hieu-dang-tu-bo-dang-cong-san-de-tro-thanh-cong-dan-tu-do-dau-tranh

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

TUYÊN BỐ từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam của ông LÊ HIẾU ĐẰNG


TUYÊN BỐ

Tôi tên LÊ HIẾU ĐẰNG là ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CỘNG SẢN VN, hơn 40 tuổi đảng. Nay tôi tuyên bố công khai ra khỏi đảng CSVN vì:

ĐCSVN bây giờ không còn như trước (đấu tranh giải phóng dân tộc) mà đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân.

Tôi xin xác định đây là quyết định của tôi.

Ngày 04.12.2013

Lê hiếu Đằng
(chữ ký)


Đôi lời: Vậy là phát pháo lệnh đã nổ!
Trước khi bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thông qua, công luận thừa biết màn hài kịch lố bịch sẽ có cái kết ra sao, người ta chờ đợi một phản ứng mạnh mẽ nào đó, ví như một cuộc biểu tình. Nhưng đã không xảy ra.
Phải chăng lòng người đã quá mệt mỏi? Hay nỗi sợ hãi bị đàn áp, trong lúc thiếu sự gắn kết và những “ngọn cờ”?
Và Lê Hiếu Đằng đã nhận lãnh vị trí đó, dù cho có thể sẽ là một “ngọn cờ cảm tử”.
Thử nhìn lại, khi ông tung ra bài viết Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh…, bộ máy tuyên truyền của ĐCSVN hoảng hốt tới đâu. Đến những tờ báo thuộc loại có phần “gần dân”, chẳng bao giờ thèm tham gia những cuộc “đánh hôi” của đám báo “lá … chuối chùi khu” như Nhân dân, Quân đội nhân dân, vậy mà cũng được lôi vào trận. Rồi vài tay chân đã lộ hoặc chưa lộ mặt của đảng cũng nháo nhác kêu la, chửi rủa.
Nếu đó là cú đòn nhứ, làm cho đảng vội vã tung hết binh lực, thì cú đòn lần này, chắc chắn sẽ làm đảng khó trở tay, nhất là ngay giữa lúc bữa tiệc hân hoan mừng Hiến pháp mới vừa được bày biện. Nó sẽ như cái tát vào ngay giữa những cái miệng bóng nhẫy đang nhồm nhoàm gặm dở khúc sườn, đùi.
Ban bí thư sẽ chụm đầu bàn bạc, Ban Tuyên giáo sẽ có những chỉ thị ngầm, …? Liệu có nên công khai phản công như lần trước, hay nín lặng, vì không khéo thì “lợi bất cập hại”? Không lẽ lại lần nữa phải huy động cỗ máy khổng lồ chỉ để chống lại một Lê Hiếu Đằng đơn độc, đang mắc trọng bệnh? Hay là để dành binh lực, chờ cú đòn nặng hơn, của một tập thể, chẳng hạn? Cho nên, sẽ phải bóp đầu, căng tai nghe ngóng, phán đoán xem liệu hiệu ứng của cú đòn này sẽ lan tỏa tới đâu.
Bởi vì
Một phong trào bỏ đảng nếu như được dấy lên, ngay vào lúc này, sẽ là cái giá phải trả đau đớn nhất, mối đe dọa lớn nhất trong lịch sử 83 năm vinh – nhục của ĐCSVN.
BT
—-

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Báo cáo viên LHQ kêu gọi tự do ngôn luận ở Việt Nam


Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc Farida Shaheed (Ảnh: Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền)

Thanh Phương- RFI.
Sau chuyến đi Việt Nam từ ngày 18 đến 29/11, bà Farida Shaheed, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về quyền văn hóa đã kêu gọi Hà Nội cho người dân có thêm không gian để bày tỏ chính kiến.

Tuyên bố tại Hà Nội ngày 29/11/2013, sau khi kết thúc chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam, bà Shaheed kêu gọi chính phủ Việt Nam « mở rộng không gian cho người dân bày tỏ quan điểm và để họ có thể đóng góp những kiến thức, kể cả kiến thức về truyền thống văn hóa, cho công cuộc phát triển đất nước ».
Theo lời báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam « đang ở vào một thời điểm quan trọng » và đã đến lúc những tiến bộ « gây ấn tượng » của Việt Nam về xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế nên được bổ sung bằng việc mở rộng không gian cho tranh luận công khai và đa nguyên.
Bà Shaheed tuyên bố : « Việt Nam cũng phải mở rộng tự do sáng tác nghệ thuật và tự do nghiên cứu học thuật ». Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về quyền văn hóa bày tỏ mối quan ngại về việc ở Việt Nam không có nhà xuất bản tư nhân, vì điều này làm giảm đáng kể cơ hội cho những tiếng nói độc lập được phổ biến.
Bà Shaheed cũng quan ngại về việc chỉ có một sách giáo khoa lịch sử duy nhất được dạy trong các trường học ở Việt Nam. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh rằng, việc giảng dạy lịch sử phải giúp phát triển tư tưởng phê phán, sự học hỏi mang tính phân tích và sự tranh luận, như điều mà bà đã khuyến nghị trong báo cáo gần đây nhất gởi lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tháng 08/2013.
Chuyên gia Shaheed còn tuyên bố rất quan ngại trước việc nhiều văn nghệ sĩ bị quản thúc tại gia, bị sách nhiễu hoặc giam giữ ở Việt Nam. Bà nhắc đến những trường hợp văn nghệ sĩ bị kết tội « tuyên truyền chống Nhà nước » chiếu theo điều 88 bộ Luật hình sự Việt Nam. Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc tuyên bố : « Tôi chân thành hy vọng là chính phủ sẽ xem xét lại chính sách để bảo đảm tự do hơn cho sáng tác nghệ thuật, đúng theo các chuẩn mực quốc tế ».
Theo dự kiến, vào năm tới, bà Farida Shaheed sẽ trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc một báo cáo đầy đủ, với những kết quả điều tra và những khuyến nghị của bà về Việt Nam.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về quyền văn hóa đưa ra những lời kêu gọi nói trên vào lúc chính quyền Hà Nội gia tăng trấn áp những tiếng nói độc lập trên mạng xã hội, với việc ban hành một nghị định mới về sử phạt hành chinh các vi phạm về thông tin trên mạng. Sẽ có hiệu lực từ tháng 01/2014, nghị định này dự trù phạt từ 70 đến 100 triệu đồng những ai chỉ trích chính quyền trên mạng.

URL nguồnhttp://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20131202-bao-cao-vien-lhq-ve-quyen-van-hoa-keu-goi-tu-do-ngon-luan-o-viet-nam

Việt Namsẽ thay đổi nhưng chưa phải lúc này

Quốc hội Việt Nam họp thông qua Hiến pháp sửa đổi
Với đa số gần 98%, Quốc hội VN đã thông qua Hiến pháp sửa đổi 2013
Việt Nam có thể sẽ thay đổi về luật pháp đối với hệ thống, cấu trúc chính trị nhưng chưa phải vào thời điểm hiện nay theo một chuyên gia cố vấn của Đảng Cộng sản.
Giáo sư Đỗ Quang Hưng là thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cơ quan tư vấn về đường lối, sách lược chính trị cho Ban chấp hành Trung ương và Bộ chính trị Đảng Cộng sản.
Theo ông, về lâu dài Việt Nam có thể cứu xét việc điều chỉnh, sửa đổi, soạn thảo một số luật pháp, thể chế như luật về đảng phái, cũng như hội đoàn và điều chỉnh quan hệ giữa hệ thống chính trị của nhà nước với các thực thể mà ông gọi là xã hội nhân dân, cộng đồng v.v... nhằm thừa nhận nhiều quyền và quyền lực của các thể chế này.
Về tương lai soạn thảo luật về đảng phái, mà nếu có, sẽ quy định, điều chỉnh hành vi, hoạt động, trách nhiệm của các đảng chính trị như Đảng cộng sản Việt Nam, Giáo sư Đỗ Quang Hưng, người đang là Chủ nhiệm Bộ môn Chính trị Quốc tế, Khoa Khoa học Chính trị, thuộc Đại học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, hôm cuối tuần nói với BBC:
"Về lô-gic chính trị, có tính của thời đại nữa, tôi nghĩ rằng sẽ đến một lúc nào đó, tôi chưa biết là lúc nào, thì chắc chắn phải nghĩ đến điều đó, cũng như luật về hội..."
"...Như chưa cho báo tư nhân chẳng hạn, tôi nghĩ cũng có cái hợp lý của nó. Đến một lúc nào đó người ta không phản ứng cái lô-gíc đó thì đến lúc nào đó nó sẽ có, nhưng câu chuyện có thể là của sắp tới chẳng hạn, tương tự như vậy với các vấn đề khác."
Về quy định quân đội và các lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng cộng sản cầm quyền trong Hiến pháp, Giáo sư Hưng nói:
"Ở Việt Nam không dùng chữ thể chế chính trị, mà quen gọi là hệ thống chính trị. Với cấu trúc quyền lực như thế này, người Việt Nam vẫn chấp nhận cấu trúc quyền lực như thế này, thì việc liên quan đến quân đội như thế cũng dễ hiểu."
Nhà lý luận nhấn mạnh việc quy định này là tuân theo đặc thù chế độ chính trị ở Việt Nam, tuy nhiên ông cũng đề cập tới mô hình khác biệt sẽ có thể tồn tại ở một không gian khác như một điều đương nhiên.

Bài đăng phổ biến